Nhiều chuyên gia ngành xi măng đã dự báo tiêu thụ xi măng hàng năm tại Inđônêxia có thể tăng 5-6%, do lãi suất ngân hàng giảm và nhu cầu bất động sản cao hơn. Tuy nhiên, ngành xi măng nước này hầu như chưa chuẩn bị để đáp ứng nhu cầu này, nhất là trong bối cảnh nguy cơ ngày càng cao từ hàng xi măng nhập khẩu giá rẻ hơn từ các nước như Trung Quốc.
Trung Quốc hiện có 60 nhà máy sản xuất xi măng, với tổng công suất sản xuất 1,6 tỷ tấn/năm. Năm 2006, Trung Quốc đã sản xuất 1,2 tỷ tấn xi măng, chiếm khoảng 46% sản lượng của thế giới, trong đó xuất khẩu khoảng 33 triệu tấn, tương đương với mức tiêu thụ trong nước của Inđônêxia.
Xi măng xuất khẩu của Trung Quốc có giá rất cạnh tranh, cả khi đã tính cả phí bảo hiểm lẫn vận chuyển hàng (CIF). Trong lúc giá xi măng tại Inđônêxia ở mức trung bình 72 USD/tấn, thì chi phí sản xuất xi măng tại Trung Quốc là 30 USD/tấn, nhờ khả năng tiết kiệm năng lượng và nhiên liệu trong dây chuyền sản xuất, tự sản xuất được các loại máy móc hiện đại giống như của các nước phát triển. Chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D) thấp hơn đã cho phép các công ty sản xuất xi măng Trung Quốc tăng hiệu quả và giảm chi phí.
Các công ty xi măng Inđônêxia đã yêu cầu chính phủ thực hiện một số biện pháp bảo hộ như áp đặt mức thuế nhập khẩu 5% đối với mặt hàng xi măng nhập khẩu từ các nước ASEAN, và 20% đối với các nước ngoài ASEAN. Hiện nay, Inđônêxia không đánh thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xi măng. Ngoài ra, họ cũng yêu cầu xi măng nhập khẩu phải được chứng nhận theo Tiêu chuẩn quốc gia Inđônêxia, trong đó quy định một số yêu cầu chất lượng nhất định mà các công ty sản xuất trong nước đã thực hiện.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng thuế nhập khẩu và các rào cản hành chính chỉ là những biện pháp bảo hộ tạm thời. Các công ty sản xuất xi măng Inđônêxia cần tìm cách để nâng cao hiệu quả càng sớm, càng tốt. 
(Theo TTXVN)