Ở những nước có nền kinh tế đang bùng nổ từ châu Á cho tới Đông Âu, xi măng là đầu mối của sự tiến bộ. Có vai trò kết dính các nguyên liệu làm nên bê tông, xi măng là thành phần thiết yếu trong xây dựng các toà nhà và các công trình cầu đường. Đó là lý do tại sao khoảng 80% xi măng được sản xuất và tiêu thụ ở các nước đang phát triển.
 
Chỉ tính riêng nước Trung Quốc đã sản xuất và tiêu thụ 45% sản lượng xi măng toàn cầu. Ở những nơi như Ukraine, việc sản xuất xi măng tăng gấp đôi sau mỗi bốn năm. Nhưng sản xuất xi măng đồng nghĩa với việc gây ô nhiễm, do nó giải phóng carbon dioxide, nguyên nhân chính của tình trạng nóng lên toàn cầu. Các nhà máy xi măng tạo ra khoảng 5% lượng carbon dioxide toàn cầu. Xi măng cũng không có khả năng tái chế, mỗi con đường mới, mỗi toà nhà mới đều cần lượng xi măng mới.
 
Chương trình xanh cho xi măng
 
Hiện nay, chính các sáng kiến xanh lại có thể đang làm gia tăng ô nhiễm. Liên minh châu Âu có chính sách trợ cấp cho các công ty phương Tây mua các nhà máy xi măng lỗi thời ở các nước nghèo rồi trang bị lại cho chúng các công nghệ xanh. Nhưng những công nghệ xanh nhất cũng chỉ có thể giảm khoảng 20% lượng carbon dioxide thải ra. Khi các công ty phương Tây sửa sang lại các nhà máy phương Đông, lượng khí thải giảm đi theo từng tấn bê tông được sản xuất, nhưng lượng xi măng được sản xuất cũng luôn gia tăng, và vì thế tổng lượng khí ô nhiễm cũng tăng.
 
Rất nhiều nhà sản xuất xi măng đã nhận thức được vấn đề hóc búa này. "Ngành xi măng đang ở trung tâm của cuộc tranh cãi về sự thay đổi khí hậu toàn cầu - nhưng thế giới cũng cần vật liệu xây dựng để xây trường học, bệnh viện, nhà ở", Olivier Luneau, trưởng bộ phận phát triển bền vững ở Lafarge, hãng xi măng lớn có trụ sở ở Paris, nói. "Vì những sáng kiến của chúng ta, lượng khí thải đang tăng chậm hơn so với khi không có sự can thiệp".
 
Các nhà sản xuất xi măng đã đầu tư hàng triệu đô la vào các chương trình xanh, như Sáng kiến xi măng lâu bền (Cement Sustainable Initiative). Lafarge, hãng đi đầu trong việc này, đã cải tiến hiệu quả bằng việc giảm lượng khí thải xuống 655 pound (297kg) carbon dioxide cho mỗi tấn xi măng trong năm 2006, từ mức 763 pound (346kg) năm 1990. Mục tiêu của hãng là giảm xuống 610 pound (276,7kg) mỗi tấn vào năm 2010, nhưng cũng cho biết khó có thể xuống thấp hơn con số đó. Lafarge đã mua 17 nhà máy xi măng ở Trung Quốc trong năm 2005 và có cổ phần ở hầu khắp các công ty ở Đông Âu và Nga, với nhận thức rằng tổng lượng khí thải đang gia tăng mỗi năm.
 
Khoản đầu tư hấp dẫn!
 
 
Đá vôi được khai thác để sản xuất xi măng ở khu vực ngoại ô Wuhu, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Các nhà máy xi măng chiếm khoảng 5% lượng khí thải carbon dioxide toàn cầu
 
Các thoả thuận mua bán hạn mức carbon - những sáng kiến xanh của Liên minh châu Âu và nghị định thư Kyoto về việc hạn chế khí gây hiệu ứng nhà kính - khuyến khích việc mua hạn mức carbon ở Đông Âu và Nga bởi Lafarge và các hãng đối thủ, như Heidelberg Cement. Nhưng chúng cũng cho phép các nhà sản xuất tăng tổng sản lượng, cả ở các nước đang phát triển lẫn ở quê nhà.
 
Liên minh châu Âu đã hạn chế một cách hiệu quả việc sản xuất của các nhà sản xuất xi măng châu Âu tại đất nước họ bằng cách hạn chế lượng khí thải cho phép hàng năm. Nhưng không có hạn chế nào ở những nơi như Ukraine.
 
Hơn nữa, các nước châu Âu cũng đang tăng hạn mức khí thải được phép ở chính nước họ bằng các tín dụng carbon (carbon credit) - bằng cách nâng các dự án xanh ở nơi khác. Vì vậy, việc mua một nhà máy Liên Xô cũ và chuyển đổi nó thành công nghệ xanh có thể mang lại nhiều hậu quả.
 
 
Môi trường làm việc an toàn ở Trung Quốc vẫn còn là vấn đề rất gay gắt cho dù số người chết đã giảm trong 8 tháng đầu năm 2007
 
"Việc đầu tư này hấp dẫn hơn nhiều so với trước đây", Lennard de Klerk, Giám đốc Global Carbon, một công ty ở Budapest chuyên môi giới việc mua bán hạn mức carbon ở Ukraine, Nga và Bulgaria. Đưa giá trị của các tín dụng carbon vào giá thành trang bị lại một nhà máy ở Ukraine, và tỷ lệ đoán trước được của lợi nhuận tăng lên tới 12% thay vì mức cũ là 8,8%.
 
Một khi các nhà máy lạc hậu được tân trang lại bằng công nghệ sạch, lượng khí thải ra trên mỗi tấn xi măng được sản xuất sẽ giảm đi. Nhà máy Podilsky ở Ukraine đang được tân trang lại với những bộ lò nung "xanh" hơn - một dự án được hỗ trợ tài chính bởi hãng sản xuất xi măng của Iceland là CRH, và mức tiêu thụ năng lượng cho mỗi tấn xi măng dự kiến sẽ giảm được 53%.
 
Vòng luẩn quẩn
 
Nhưng ngay cả sự cắt giảm mạnh đó vẫn không đủ ngăn chặn tốc độ gia tăng tổng lượng khí thải ra từ sản xuất xi măng. Sản lượng xi măng vẫn không ngừng tăng lên. Tại nhà máy Doncement của hãng Heidelberg Cement ở Ukraine, sản lượng tăng 55% trong 9 tháng đầu năm 2006. Tổng sản lượng xi măng ở Ukraine tăng hơn 10% trong năm 2005 và lại tăng 10% vào năm 2006.
 
Dự án Sáng kiến xi măng lâu bền gợi ý rằng bê tông cần phải được trộn với lượng xi măng ít hơn để nhằm giảm lượng khí thải. Nhưng có ít động lực để các nhà sản xuất thực hiện những thay đổi cơ bản trong việc các toà nhà và những con đường được xây dựng như thế nào.
 
Nhiều người, như Julian Allwood, một giáo sư tại Đại học Cambridge ở Anh, coi xi măng lâu bền là một cái gì đó mâu thuẫn về khái niệm - giống như thịt dành cho người ăn kiêng. Ông Allwood gợi ý một giải pháp là sản xuất các khối bê tông giống như là những viên lớn mà có thể gắn lại để tạo ra những toà nhà, rồi sử dụng lại chúng khi cần phá huỷ những ngôi nhà đó.
 
Các hãng sản xuất xi măng phương Tây nhấn mạnh rằng vấn đề khí thải không thể giải quyết được cho đến khi Trung Quốc, Ấn Độ và các nước kinh tế đang phát triển khác nhận thấy rằng họ cũng phải hạn chế lượng khí thải.
 
Còn ông Luneau ở Lafarge nói: "Nhu cầu đang gia tăng quá nhanh và vẫn tiếp tục tăng, và bạn không thể ngăn chặn điều đó. Hoạt động kinh doanh chính của chúng tôi là xi măng, vì thế có một giới hạn về những gì chúng tôi có thể thay đổi. Nỗ lực giải quyết vấn đề khí thải ở châu Âu hoặc các nước G8 sẽ không giải quyết được vấn đề trừ khi các nước đang phát triển và nền sản xuất xi măng của họ cũng vào cuộc".

 Các hãng sản xuất xi măng đang đầu tư vào công nghệ để nhằm giảm lượng khí carbon dioxide thải ra môi trường

 
 
Một công trường xây dựng ở Bắc Kinh. Hãng xi măng có trụ sở ở Paris, Lafarge, đã mua 17 nhà máy xi măng ở Trung Quốc vào năm 2005, với hy vọng sẽ làm giảm lượng khí thải từ xi măng xuống mức 610 pound mỗi tấn vào năm 2010
 
(Theo sgtt.com.vn)