Áp lực xăng dầu
 
Bùng nổ kinh tế hàng thập kỷ kéo theo sự bùng nổ trong tiêu dùng năng lượng, đặc biệt là xăng dầu ở Trung Quốc. Chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây, nhập khẩu xăng dầu ở Trung Quốc đã tăng 40%. Tiêu thụ xăng công nghiệp và dân dụng khổng lồ khiến Trung Quốc vượt qua cả Nhật Bản để trở thành thị trường tiêu dùng lớn thứ 2 sau Mỹ cho các giếng dầu quốc tế. Nhưng đó chưa phải là tất cả, người ta vẫn chưa nhìn thấy đâu là điểm dừng cho việc tiêu thụ năng lượng ở “công xưởng mới” của thế giới này. Ngoài việc bắt tay với các nhà cung ứng truyền thống từ vùng Vịnh, Nga, và một số nước Bắc Âu, áp lực về xăng dầu buộc Bắc Kinh phải vươn tay tới sát Mỹ, sang Venezuela, Brazil rồi tới cả Châu Phi - vốn là sân chơi riêng của người Pháp. Tuy thế, Trung Quốc hiện nay và tương lai vẫn phải đối mặt với thiếu hụt nghiêm trọng về dầu mỏ. Người ta cho rằng, việc dầu mỏ vượt ngưỡng 100 USD/thùng vừa qua, không hẳn vì USD mất giá, mà sâu xa hơn là do nhu cạnh tranh tiêu thụ dầu mỏ, trong đó đáng kể nhất là tranh mua từ Trung Quốc tăng cao.
 
Giới quan sát còn cho rằng, có lẽ Bắc Kinh không cần phải sử dụng tới biện pháp hạ nhiệt kinh tế, bởi cơn bão giá mới đang đẩy chi phí đầu vào ở Trung Quốc tăng cao, và đương nhiên sẽ hạn chế xuất khẩu, hạn chế sản xuất. Cũng như Việt Nam và bao nước khác, giá nhiên liệu cụ thể là xăng và dầu ở Trung Quốc không được xếp vào danh mục đo lường sự tăng lên của mặt bằng giá chung. Nhưng một điều không thể phủ nhận, chính việc tăng giá mặt hàng này đang gây áp lực lớn không chỉ riêng về kinh tế mà còn lan sang cả những vấn đề xã hội nguy hiểm. Hàng triệu người dân Trung Quốc đang bị bần cùng hóa giữa đời sống công nghiệp hiện đại. Đó cũng là điều dễ hiểu khi số lượng đình công, bãi khóa, thậm chí bạo loạn như ở Tây Tạng tăng lên song hành với áp lực về giá tiêu dùng.
 
Lục tìm lời giải
 
Giải quyết vấn đề năng lượng ở Trung Quốc cũng là tìm kiếm lá chắn bảo vệ yếu điểm của nền kinh tế khổng lồ này. Bắc Kinh đã cử nhiều đoàn công tác, nhiều cuộc hội đàm ngoại giao mở cửa, mở giếng dầu mới, coi đây như một trong những giải pháp để giảm thiểu áp lực tăng giá năng lượng. CNOOC - tập đoàn dầu khí hàng đầu của Trung Quốc 2 năm về trước đã ký thỏa thuận chiết xuất dầu, khối lượng lên tới cả triệu thùng với Indonesia. Tập đoàn này cùng nhiều Cty dầu khí Trung Quốc khác còn đầu tư cả trăm triệu USD sang Uzbekistan, ở Trung Á, sang Ecuador, Colombia - sân sau của người Mỹ. Tại Sudan, Trung Quốc cũng đổ tới 15 tỷ USD cho các dự án khác thác dầu ở đây, bất chấp chiến sự tại quốc gia Châu Phi này chưa có hồi kết.
 
Bên cạnh những giải pháp có tính chiến lược đó, trong nước Bắc Kinh cũng đưa ra hàng loạt giải pháp hành chính vĩ mô có tính tình thế. Một mặt Chính phủ duy trì hỗ trợ giá nhiên liệu, để giảm áp lực lạm phát. Ngoài ra, Bắc Kinh còn chỉ thị cho các bộ như tài chính, công nghiệp và thương mại nước này hạn chế việc tiêu dùng năng lượng trong nước thông qua áp thuế. Tuy nhiên, việc áp thuế ở Trung Quốc cũng có những tình tiết khác Việt Nam. Ví như, để hạn chế đầu vào của các máy uống xăng, như xe hơi: Trung Quốc vẫn tuân thủ theo lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu xe, nhưng đẩy dần thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế lưu thông... Những động thái này làm nâng giá xe cộ, hạn chế việc tiêu thụ xăng dầu nhưng không gây xáo trộn cho hoạt động của DN kinh doanh, nhập khẩu xe, đảm bảo tính nguyên tắc đối xử công bằng trong môi trường kinh doanh WTO mới.