Theo UBND tỉnh Yên Bái, đến nay tỉnh đã xây dựng được các vùng sản xuất tập trung cung cấp nguyên liệu cho các ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản, sản xuất các mặt hàng xuất khẩu.

Điển hình là vùng nguyên liệu chè của tỉnh, có diện tích trên 12.3000ha với tổng sản lượng chè chế biến (hai loại sản phẩm chè xanh và chè đen) đạt khoảng 17.000 tấn, đứng thứ 2 toàn quốc. Bên cạnh chè là quế, Yên Bái có 30.000 ha quế, với sản lượng hàng năm đạt trung bình 2.500 tấn quế vỏ và 100-200 tấn tinh dầu làm nguyên liệu phụ gia cho sản phẩm công nghiệp, dược liệu. Sắn củ cũng là một thế mạnh, toàn tỉnh có 13.400 ha, sản lượng đạt 250.500 tấn, sản lượng tinh bột sắn đạt 13.600 tấn/ năm. Ngoài ra Yên Bái còn có 8.500ha cây ăn quả...

Theo thống kê, diện tích rừng tự nhiên tại địa bàn là 229.430ha, rừn trồng 145.630ha, sản lượng có thể khai thác trên 200.000m3 gỗ các loại như keo, bồ đề... và trên 150.000 tấn tre, vầu, nứa. Đây là nguồn nguyên liệu phong phú cho công nghiệp chế biến gỗ, giấy, ván dăm...

Trữ lượng tài nguyên thiên nhiên lớn cũng là một lợi thế để thu hút các nhà đầu tư đến với Yên Bái. Trữ lượng mỏ đá vôi trắng của tỉnh khoảng 1tỷ m3 đáp ứng được nguyên liệu là đá ốp lát, đá mỹ nghệ các chế biến làm đá hạt, đá bột siêu mịn (CaCO3), làm nguyên liệu phụ gia cho các ngành sản xuất xà phòng, hoá mỹ phẩm, cao su, nhựa, giấy.... Cao lanh có trữ lượng 1,5 triệu tấn, sản lượng khai thác từ 18.000 đến 20.000 tấn/năm, làm nguyên liệu sản xuất ra sứ cách điện, sứ dân dụng... quặng Feldspar có trữ lượng trên 2 triệu tấn, dùng làm nguyên liệu trong công nghiệp gốm sứ và thuỷ tinh...; quặng sắt có 29 điểm mỏ đã được đánh giá trữ lượng là 188,8 triệu tấn; đá quý , đá bán quý ruby, saphia tại huyện Lục Yên, Yên Bình để phát triển công nghệ chế tác đá quý và nghề làm tranh đá quý...

Theo ông Dương Văn Tiến - Phó giám đốc Sở KHĐT tỉnh Yên Bái, để thu hút các nhà đầu tư đến với địa phương khai thác các thế mạnh nói trên, tỉnh đã có một loại các chính sách hỗ trợ nhà đầu tư. Những chính sách này sẽ được thông báo cụ thể tại Diễn đàn xúc tiến đầu tư vào các tỉnh Tây Bắc được tổ  chức vào ngày 21/8 tới đây tại Sa Pa (Lao Cai).

Cụ thể, tiền thuê đất, nhà đầu tư được thuê đất với đơn giá thấp nhất theo giá đất do UBND tỉnh ban hành. Các dự án đầu tư vào các khu công nghiệp của tỉnh sẽ được hỗ trợ 50% kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và 50% kính phí  san tạo mặt bằng. Đối với dự án trong khu du lịch, tỉnh hỗ trợ 50% kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng, mức hỗ trợ một dự án tối đa 3 tỷ đồng.

Nhà đầu tư có dự án đầu tư xây dựng trường học,  trường dạy nghề, bệnh viện... cũng được tỉnh hỗ trợ 50% kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và 50% kinh phí san tạo mặt bằng, mức hỗ trợ một dự án tối đa 2 tỷ đồng.

Yên Bái cũng dành những chính sách đối với các dự án trong khu du lịch, hoặc dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực dịch  vụ, văn hoá, xã hội. Đối với công tác đào tạo nghề, tỉnh hỗ trợ một lần với mức 2 triệu đồng/ người/ khoá đào tạo trung cấp nghề; 3 triệu đồng/ người/ khoá đào tạo cao đẳng nghền cho lao động là người địa phương để làm việc cho dự án. Thêm vào đó, tỉnh cũng có chín hsách hỗ trợ lãi suất sau đầu tư khi nhà đầu tư vay vốn của tổ chức tín dụng để thực hiện dự án đầu tư đổi mới công nghệ trong lĩnh vực chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp với mức hỗ trợ bằng 20% mức hỗ trợ lãi suất sau đầu tư do Ngân hàng phát triển Việt Nam quy định, kinh phí hỗ trợ cho một dự án tối đa 2 tỷ đồng.

Nhà đầu tư thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, như xây dựng thương hiệu sản phẩm ... cũng được tỉnh hỗ trợ, tối đa là 50triệu đồng/ năm. Tỉnh cũng có mức thưởng 50triệu đồng cho cho tổ chức, cá nhân (không thuộc cơ quan nhà nước) môi giới, kêu gọi được dự án đầu tư vào tỉnh có mức vốn trên 1 triệu USD. Việc tiếp nhận hồ sơ và giải quyết các thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh thực hiện theo cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông", thời gian thực hiện ngắn hơn so với quy định chung của Nhà nước.

(Theo báo Thị trường số 222)