Các DN rục rịch tăng giá thép
 
Trong mấy ngày qua, một số doanh nghiệp (DN) thép phía Nam đã tăng mạnh giá thép. Cụ thể, thép của Công ty Pomiana vừa tăng từ 16,426 triệu đồng/tấn lên 17,45 triệu đồng/tấn (chưa có thuế VAT), thép của Công ty Thép Việt Nhật (Vinakyoei) tăng từ 16,55 triệu đồng/tấn lên 17,5 triệu đồng/tấn (chưa có VAT). Các DN khác cũng đã đưa giá thép lên khoảng 17 triệu đồng/tấn.
 
Trong khi đó giá thép của các DN phía Bắc vẫn thấp hơn khá nhiều. Hiện giá thép cao nhất thuộc về các Công ty Thép Việt Ý, Hoà Phát, Việt Úc ở mức 16,5 triệu đồng/tấn còn thấp nhất là thép Thái Nguyên và Thép Việt - Hàn ở mức 15,2 triệu đồng/tấn chưa có VAT. Như vậy giá thép thấp nhất và cao nhất trên cả nước đến nay đã chênh nhau tới 2,3 triệu đồng/tấn.
 
Theo lý giải của các DN thép phía Nam, họ đang phải nhập khẩu phôi thép với giá cao. Chẳng hạn Công ty Thép Việt Nhật đã ký hợp đồng mua phôi ở mức 1.180 USD/tấn, trong khi đó giá thép bán ra hiện chỉ tương đương với khoảng 1.000 USD/tấn. Như vậy nếu không tăng giá bán thép lên thì số tiền thu được từ bán thép sẽ không đủ để nhập khẩu phôi phục vụ sản xuất lâu dài.
 
Theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, ngày 21/3/2008, Hiệp hội Thép đã cam kết giữ giá bán thép cho tới hết tháng 6/2008 với điều kiện giá phôi không vượt qua mức 900 USD/tấn. Vào thời điểm đó, giá phôi thép nhập khẩu ở mức 810 USD/tấn và giá bán thép của các DN phía Bắc là 15,2-15,4 triệu đồng/tấn; ở phía Nam là 15-15,3 triệu đồng/tấn (chưa tính 5% thuế giá trị gia tăng). Nhưng sau đó giá phôi thép liên tục tăng cao, vượt quá mức 900 USD/tấn. Chính vì vậy, từ tháng 5/2008, một số công ty liên doanh và công ty cổ phần đã buộc phải tăng giá thép.
 
Chính thức kiến nghị cho phép điều chỉnh giá bán thép
 
Hiệp hội Thép đã có văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh giá bán thép xây dựng trong nước để dần sát với giá thép trên thị trường khu vực và thế giới và tránh gây thua lỗ cho các DN.
 
Theo ông Cường, trong thông báo của Chính phủ ngày 23/6 vừa qua về việc giữ giá các mặt hàng thiết yếu đến hết năm 2008 thì không có mặt hàng sắt thép. Ngày 30/6 vừa qua Hiệp hội Thép đã có văn bản xin ý kiến Bộ Công thương về việc tăng giá thép và đang chờ đợi ý kiến phản hồi.
 
"Không thể không điều chỉnh giá thép được. Hiện giá phôi trên thị trường thế giới đã tăng lên mức 1.300 USD/tấn, nếu cứ bán thép thành phẩm với giá 1.000 USD/tấn để rồi phải nhập khẩu phôi với mức 1.300 USD/tấn là chuyện cực chẳng đã và khó có thể kéo dài", ông Cường nói.
 
Tuy nhiên, giá thép cũng sẽ không tăng mạnh. Theo ông Cường, mức điều chỉnh giá lên sẽ từ từ bởi hiện nay tiêu thụ thép đang rất chậm. Trong 3 tháng qua mỗi tháng các DN trong Hiệp hội Thép chỉ tiêu thụ khoảng 260.000 tấn thép, giảm 60.000 tấn so với các tháng trước.
 
Giá thép sẽ do thị trường quyết định. Hiện nay giá thép bán thấp mà tiêu thụ còn chậm nếu tăng cao sẽ khó bán, ông Cường cho biết.
 
Một số ý kiến cho rằng, trong 5 tháng đầu năm 2008, các DN thép đã nhập khẩu 1 lượng phôi lớn (theo Tổng cục Thống kê, các doanh nghiệp sản xuất thép đã nhập 1,778 triệu tấn phôi thép trong 5 tháng đầu năm 2008). Giá phôi thép khi đó còn thấp, tính bình quân chưa tới 800 USD/tấn nay bán thép 1.000 USD thì vẫn có lãi sao cứ lấy giá phôi trên thị trường hiện thời làm căn cứ hễ phôi tăng là lại tăng giá thép?
 
Trả lời về vấn đề này, ông Cường nói: "Tôi đồng ý là có lãi nhưng cái lãi đó chỉ mang tính tượng trưng. Ý kiến trên tôi cho là không có tính thực tế. Nếu anh buôn một chuyến thì có thể nói là anh lãi. Nhưng trong sản xuất thì thời điểm này anh có thể lãi 500 tỷ, nhưng không ít trường hợp chỉ tháng sau số lãi đã về con số 0 hoặc bị âm. Cách tính lãi là phải lấy giá thép trung bình cả năm trừ đi giá phôi trung bình cả năm mới rõ. Và lãi hay không là nằm trong tổng kết tài chính cuối năm".
(Theo VietNamNet)